Chỉ mới cách đây 3 tháng, chúng ta bước vào thập kỉ mới với thế giới đang thay đổi theo một tương lai tươi sáng hơn. Không ai nghĩ đến viễn cảnh cuộc sống bị đảo lộn đến nhường này - ở gần như mọi quốc gia trên thế giới, thậm chí là ở những nước phát triển nhất. Tất cả đều khởi nguồn từ một thứ virus bé nhỏ nhưng ẩn chứa đầy những hiểm hoạ: Corona.
Covid-19 mang đến những thay đổi mang tính bước ngoặt ở mọi lĩnh vực. Giáo dục - cũng không nằm ngoại lệ trong cuộc tàn phá này. Trong suốt khoảng thời gian ngắn ngủi vừa qua, chúng ta đã chứng kiến sự khó khăn chưa từng có trong ngành giáo dục cả thế giới. Ở Việt Nam, đây là câu chuyện chưa từng có tiền lệ. Hàng loạt trường học buộc phải tạm đóng cửa. Liên tục trong nhiều tuần, để đảm bảo sự an toàn của học sinh, các tỉnh/ thành phải đắn đo trong việc lùi lịch trở lại trường lớp. Trong khi đó, học sinh và các thầy cô giáo đã bắt đầu làm quen với những phương pháp dạy và học mới qua màn hình máy tính.
Cuộc sống vẫn cần tiếp diễn, học sinh vẫn cần có kiến thức, và đây là lúc để chúng ta cùng nắm tay nhau vượt qua thử thách này, một cách linh hoạt và nhanh chóng nhất.
Trong gần 2 tháng qua, hàng loạt công văn khẩn được gửi giữa đêm thông báo học sinh, sinh viên nghỉ học. Không ai biết chắc chắn thời điểm an toàn để các trường mở cửa trở lại khi số ca nhiễm ngày một tăng lên. Đại dịch không chỉ khiến biến học kỳ thành một kỳ nghỉ Tết phiên dịch tiếp nối, mà còn khiến chúng ta buộc phải nghiêm túc nghĩ về việc thay đổi kiểu giáo dục truyền thống vẫn gắn bó bấy lâu nay. Việc học dần được số hóa, cách dạy được chẻ ra trên nhiều nền tảng tóm gọn trong hai từ “thích nghi” để vượt qua tâm bão.
Học sinh dần mày mò cách sử dụng các ứng dụng học hành trực tuyến và hiểu được nguyên tắc vận hành của lớp học online. Không ít thầy cô vẫn thường xuyên đến trường hoàn thành việc phun khử khuẩn và thiết kế các bài dạy trực tuyến. Giảng viên ngoài việc nâng cao năng lực chuyên môn, bài giảng thì tập trung vào công việc dang dở, tập trung nghiên cứu khoa học. Dường như ai cũng hiểu thời gian là giới hạn nên cố gắng không để thời gian rảnh trở nên dư thừa và vô nghĩa.
Về mặt lý thuyết là vậy, song, thực tiễn lại khó khăn nhiều hơn thế.
Không chỉ học sinh “kêu khóc” mà đến giáo viên cũng cần xã hội chung tay giải cứu. Nhiều thầy cô trường tư, giáo viên hợp đồng ở trường công hay giáo viên Mầm non rơi vào cảnh không lương mùa dịch. Có ai ngờ những giáo viên lương tháng hàng chục triệu đồng, ngày ngày đến trường “mưa chẳng đến mặt, nắng chẳng đến đầu” mà giờ đây đành nhìn nhau ái ngại vì không biết thu nhập tháng này có được hưởng không. Nhiều giáo viên đành hủy hợp đồng, xoay xở đủ việc như làm công nhân, thợ may, lau nhà thuê, bóc vỏ tôm… Trường tư không có nguồn thu tài chính từ học phí, giờ đây lại thêm chật vật vì gồng gánh tiền bảo hiểm với chi phí mặt bằng. Lương cho giáo viên không có, dù lạc quan đến mấy thì đội ngũ Ban Giám hiệu cũng không giấu nổi những nỗi lo cơm áo gạo tiền. Thời gian quay lại trường chưa biết bao giờ nhưng 2 từ “phá sản” đã cận kề ngay trước mắt.
Thế hệ học sinh bây giờ vẫn lớn lên với những lớp học truyền thống, tuổi học trò vẫn xoay quanh chiếc bảng đen – phấn trắng. Biến cố lớn đột nhiên xảy ra khiến cho vai trò độc tôn của việc học truyền thống tưởng chừng không thể nào thay đổi, bỗng chốc trở nên vô giá trị trong thời đại khó khăn này.
Học trực tuyến - vốn được chúng ta trải nghiệm từ lâu, nhưng vốn dĩ chỉ là học thêm chứ không thể thay thế được việc đến trường và tiếp thu kiến thức trực tiếp. Cách dạy quá mới nên nhiều người chưa kịp làm quen. Chưa kể, những vấn đề như mạng nghẽn, tài liệu chưa đa dạng,... cũng là trở ngại lớn với rất nhiều học sinh/ sinh viên.
Nếu bạn hỏi tôi nơi nào an toàn nhất? Nhất định đó là trường học!
Dù biết bao địa phương đã cho học sinh THPT quay trở lại một thời gian nhưng tuyệt nhiên không hề có ca lây nhiễm chéo nào từ học sinh. Từ lúc dịch bắt đầu bùng phát, các tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt việc phun trùng khử khuẩn trường học, tuyên truyền đến cha mẹ phụ huynh và học sinh, tập huấn giáo viên và đội ngũ cán bộ kĩ năng cần thiết khi phát hiện trường hợp có dấu hiệu bất thường. Nhiều thầy cô sẵn sàng hi sinh thời gian nghỉ để đến trường trực tiếp dọn dẹp và thiết kế bài giảng.
Ngay khi Bộ GD-ĐT quán triệt việc dạy học online, Sở GD-ĐT các tỉnh đã có công văn hướng dẫn việc dạy trực tuyến, một số nơi còn triển khai dạy học trên truyền hình. Mọi nỗ lực đều chỉ mong không học sinh nào bị ảnh hưởng tiêu cực đến việc học và tiếp thu kiến thức trong mùa dịch, cũng như giúp học trò cuối cấp an tâm rằng việc thi cử vẫn diễn ra bình thường, sự cạnh tranh công bằng vào các trường đại học top vẫn sẽ được đảm bảo. Chúng ta luôn cần những chính sách cứng rắn, quyết liệt và linh hoạt như thế, để đảm bảo cuộc sống và sự an tâm của học sinh giữa “sóng thần” Covid-19.
Trường học, ký túc xá... vắng bóng sinh viên
Bức tranh mùa dịch có thể không đầy những màu sắc rực rỡ nhưng chắc chắn luôn có những điểm sáng để chúng ta tin tưởng rằng giáo dục luôn công bằng và tình người vẫn luôn ở đó. Trong khi các nỗi lo cơm áo gạo tiền vẫn đang chồng chất, nhiều trường tư bằng mọi giá vẫn nhất quyết trả đủ tiền lương cho giáo viên.
Hiệu trưởng THPT Marie Curie cam kết trả đủ lương trong tháng 2 và tháng 3, không quên nhắn nhủ các thầy cô giáo: “Mọi người hạn chế tiêu xài hạn chế để cầm cự trong lúc khó khăn này”. Hội đồng Quản trị trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm chọn vay tiền ngân hàng hoặc vay ngắn hạn phụ huynh trả lương giáo viên nhưng nhất quyết không nhận phí dạy online. Kết quả sau 2 ngày thông báo, trường đã nhận được hơn 1 tỷ đồng. Không chỉ là đoàn kết bên nhau mùa dịch, họ nhận ra gốc rễ việc duy trì trường học là sự công bằng với giáo viên và chỉ có đối xử tốt với nhà giáo, học sinh mới học được những bài giảng chất lượng nhất.
Suốt nhiều năm nay, chúng ta trung thành với việc dạy và học truyền thống, chưa từng có một kịch bản nào được đặt ra để vận hành trong tình huống “tiến thoái lưỡng nan" như những ngày này. Đại dịch Covid-19 không chỉ là một thử thách ta phải vượt qua, mà còn là thử thách cho chúng ta nhận ra bản chất việc học đang cần được thay đổi. Bởi không chỉ đến khi đất nước đối mặt với đại dịch, chúng ta mới nhận ra sự tiện lợi của việc học online, áp dụng các công nghệ 4.0 vào giáo dục.
“Chúng ta có thể coi đây là một khoảng thời gian tạm nghỉ ngơi, dĩ nhiên không phải ai cũng thích việc nghỉ ngơi nhưng nếu bi quan hay lo lắng thì tình hình cũng chỉ tệ hơn thôi. Blending Learning và Online Learning phổ biến ở các nước phát triển từ khá lâu, nhưng ở Việt Nam vẫn ưa chuộng giáo dục truyền thống. Đây là cơ hội cho các trung tâm, tổ chức, từ nhỏ đến lớn hay cả ngành giáo dục, tận dụng và phát triển nguồn lực để xây dựng và cải thiện chất lượng bài giảng trực tuyến, tạo thêm nguồn bài giảng trực tuyến thu sẵn cũng như giảng dạy trực tiếp qua Internet. Về lâu dài, tạo ra thêm tài nguyên để khai thác kinh doanh cũng như đối phó tốt với tình hình nghỉ học kéo dài.
Bên cạnh đó chúng ta cần linh hoạt trong việc dạy học và thi cử đặc biệt trong thời điểm khó khăn như hiện nay. Rất nhiều phương án được đề xuất như tiếp tục lùi khung thời gian năm học, chỉ thi một số môn chính, tinh giản kiến thức không cần thiết để học sinh cuối cấp có thêm nhiều thời gian ôn tập... Đặc biệt, chúng ta cần có phương án dự trù cho những tình huống khẩn cấp để đảm bảo học sinh sau khi quay lại trường có thể học tập hiệu quả nhất.
Tháng nghỉ dịch có thể là thời gian nghỉ của người này nhưng lại là thời gian học thêm kỹ năng của người khác. Đặc biệt với học sinh cuối cấp, hãy cố gắng tranh thủ quãng thời gian này thay cho kì hè vì kì thi không chờ một ai, cánh cửa đại học chỉ mở ra cho những con người xứng đáng nhất. Ngay cả khi, Việt Nam và thế giới chiến thắng dịch bệnh - chúng ta cũng không thể biết bao giờ lại đối mặt với một “cơn sóng thần” nữa. Thế giới luôn thay đổi khó lường, và cách tốt nhất là chuẩn bị kỹ càng cho hiện tại, thay đổi và coi đây là cơ hội cho những ai biết tận dụng để không lãng phí thời gian.
Dù virus nào xuất hiện hay biến cố to tát nào xảy ra, tôi mong bạn vẫn bình tĩnh sống. Covid-19 chỉ là phép thử với mỗi chúng ta và trên đường đời chúng ta sẽ gặp nhiều phép thử khác nữa. Không ai biết trước tương lai sẽ thế nào nhưng có một điều chắc chắn, chúng ta là sản phẩm được dựng hình từ hiện tại. Thế hệ chúng ta phải là những con người sẵn sàng đối diện và thay đổi. Ai cũng có 24 tiếng như nhau nhưng việc quyết định thay đổi lại bản thân hay đợi con virus “tấn công” lại là sự lựa chọn của mỗi người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét